Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành nơi lưu trữ album ảnh gia đình của nhiều bậc cha mẹ. Ảnh con mới ra đời, bình sữa lần đầu tu sạch, bước đi chập chững đầu đời … các ông bố bà mẹ hào hứng chia sẻ con mình với cả thế giới. Hiện tượng này phổ biến tới mức nó làm nảy sinh ra một từ mới trong tiếng Anh - Sharenting, ghép từ hai từ « chia sẻ » (với mọi người) và từ « làm cha mẹ », để chỉ hiện tượng chia sẻ ảnh con cái trên mạng xã hội. Việt Nam trong vấn đề này cũng không phải là ngoại lệ. Đưa ảnh con cái lên mạng xã hội trở thành điều quá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bậc phụ huynh. Tất nhiên, số người hỏi ý kiến con trước khi đưa ảnh lên trên facebook chắc đếm được trên đầu ngón tay.
Chính vì thế, sau khi luật Bảo vệ trẻ em 2016 có hiệu lực (từ ngày 1/6/2017), dư luận tại Việt Nam đặc biệt xôn xao, nhất là các bậc phụ huynh, vì luật này có quy định trong điều 6, khoản 11 rằng một trong những hành vi bị luật nghiêm cấm là « Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Sau đó, nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Điều 33 của Nghị định có định nghĩa “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” như sau “ là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em ». Như thế, suy từ các quy định này ra thì trong trường hợp cha mẹ khi đưa thông tin hoặc hình ảnh thuộc phạm vi điều 33 thì cha mẹ buộc phải xin phép con nếu con từ 7 tuổi trở lên.
Một mặt, phải công nhận rằng các quy định mới này có tác dụng làm cho các bậc cha mẹ ý thức hơn về quyền riêng tư của con cái. Trẻ em là những thực thể độc lập và cũng cần được tôn trọng sự riêng tư – điều cần thiết cho trẻ phát triển hài hòa, tâm lí vững vàng.
Tuy nhiên, về phương diện pháp lí, các quy định này lại chứa đựng nhiều bất hợp lí, và chính điều này có thể cản trở việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng.
Thứ nhất là định nghĩa “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” của trẻ em quy định ở điều 33 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP chưa bao trùm được tất cả các khía cạnh riêng tư của trẻ em cần được bảo vệ. Điều 33 này đưa ra một danh sách có giới hạn các thông tin mà nếu công bố thì phải hỏi ý kiến trẻ em. Đây chính là điểm yếu đáng tiếc của quy định này, bởi vì từ đó suy ra những thông tin nào nằm ngoài danh sách này thì không được coi là thông tin cần xin phép trước khi công bố, tiết lộ. Trong khi đó, tồn tại những trường hợp thông tin “nhạy cảm” về đời sống riêng tư trẻ em nhưng không nằm trong các nhóm thông tin được bảo vệ này[1]. Cũng như thế, chỉ “thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án” mới được coi là thông tin riêng tư, bí mật. Những thông tin về “tình trạng sức khỏe và đời tư” mà không “ghi trong bệnh án” thì không được bảo vệ? Rõ ràng là điều này có thể làm giảm đáng để hiệu quả việc bảo vệ trẻ em. Hơn nữa, nếu như thông tin, hình ảnh của trẻ em được bảo vệ, thì luật Việt Nam đã quên mất “giọng nói”. Một đoạn ghi âm trẻ hát hò, đọc thơ hay pha trò, nói chuyện cũng phải được coi là thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em, và cũng phải có sự đồng ý của trẻ mới được đưa lên nơi công cộng như mạng xã hội. Luật của các nước tiên tiến như ở Pháp chẳng hạn đều coi “giọng nói” là “đặc điểm riêng tư” của cá nhân, vì thế được bảo vệ như hình ảnh cá nhân hay thông tin về đời sống riêng tư.
So sánh luật Việt Nam với luật nước ngoài sẽ cho thấy thêm sự thiếu đấy đủ của luật Việt Nam trong vấn đề này. Ví dụ như thay vì đưa ra một định nghĩa hẹp về “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” như trong Luật bảo vệ trẻ em của Việt Nam, luật của cộng hòa Pháp không đưa ra định nghĩa nào về phạm vi thông tin bảo vệ bởi “quyền riêng tư”, quyền mà bất cứ ai, trẻ em hay người lớn, đều được công nhận. Các quan tòa của Pháp đưa ra một khái niệm rộng : các yếu cấu “cuộc sống riêng tư” được pháp luật bảo vệ là tên tuổi, hình ảnh, giọng nói, thông tin liên quan đến đời sống tình cảm, gia đình, sức khỏe, tôn giáo, nơi ở, thu nhập, lựa chọn chính trị v.v . Ngoài ra, các chuyên gia luật thường đặt “cuộc sống riêng tư” đối diện với khái niệm “ cuộc sống công cộng”: cái gì không nằm trong “cuộc sống công cộng” thì được coi là “cuộc sống riêng tư” và mỗi cá nhân đều có quyền giữ các chi tiết của cuộc sống riêng tư này không bị công bố nơi công cộng. Chính nhờ vào khái niệm rộng và mềm dẻo, nên luật của Pháp đảm bảo việc bảo vệ quyền riêng tư rất hiệu quả.
Thứ hai là luật Việt Nam quy định rằng khi trẻ em dưới 7 tuổi bố mẹ có thể tự quyết định việc công bố, tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ trên mạng, và khi con trên 7 tuổi thì cần thêm có sự cho phép của trẻ. Lấy mức 7 tuổi để làm mốc quyết định việc cần hay không cần sự cho phép của trẻ có lẽ không thực sự cần thiết. Bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành cũng như luật Hôn nhân và gia đình thông qua năm 2014 quy định cha mẹ là người đại diện của con chưa thành niên. Vì thế, mọi quyết định quan trọng liên quan đến con cái là do cha mẹ quyết định, vì lợi ích của con. Trong trường hợp cha mẹ không làm tròn trách nhiệm, có những hành vi ảnh hưởng đến lợi ích, sự an toàn của con thì có thể bị tòa án tuyên bố tước quyền làm đại diện pháp luật cho con. Chính vì thế, quy định rằng trẻ trên 7 tuổi cha mẹ phải hỏi ý kiến trước khi công bố, tiết lộ thông tin, hình ảnh trên mạng là không hợp lí, vì cha mẹ đại diện pháp luật cho con có quyền đương nhiên quyết định công bố, tiết lộ có nằm trong lợi ích của con hay không. Tuy về mặt tình, có thể hiểu quy định này nhằm nâng cao ý thức các bậc cha mẹ, nhưng về mặt hợp lí, đồng bộ của luật thì có lẽ chưa thực sự thuyết phục, chưa nói đến việc áp dụng trên thực tế thế nào (liệu sự cho phép của con là phải bằng văn bản hay có thể chỉ bằng lời nói, vấn đề khó khăn khi cần bằng chứng chứng minh về sự cho phép hay không cho phép v.v).
Thứ ba là chắc chắn trong tương lai có những trường hợp trẻ cho phép tại thời điểm công bố, nhưng khi lớn lên lại không còn muốn ảnh hay thông tin “nhạy cảm” của mình còn tồn tại trên mạng nữa, thì luật Việt Nam lại chưa có giải pháp. Chính vì thế các nhà làm luật cần nghĩ đến việc đưa vào luật công nhận “quyền được lãng quên”, một quyền đã được công nhận bởi luật của liên minh châu Âu, cho phép tháo dỡ một nội dung “nhạy cảm” trên mạng liên quan đến đời sống cá nhân. Hiện nay, luật Cộng hòa Số thông qua năm 2016 của Pháp cũng đã cho phép trẻ em dưới 18 tuổi được phép thực hiện “quyền được lãng quên” nhằm yêu cầu các các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hay mạng truyền thông xóa bỏ nhanh chóng các các nội dung liên quan đến đời sống riêng tư được đưa lên mạng trước đó, ngay cả trường hợp nội dung đó được đưa lên với sự đồng ý của các em trong quá khứ. Luật của bang California mang tên Eraser Law (“Luật xóa”) có hiệu lực từ năm 2015 cũng cho phép trẻ dưới 18 tuổi được yêu cầu dỡ bỏ các nội dung mang tính riêng tư liên quan đến bản thân mà hiện diện trên mạng Internet.
Chính vì luật Việt Nam chưa đủ hợp lí, nên khi đi vào hiệu lực đã gây nhiều cách hiểu trái chiều trong dư luận, như nhiều người cho rằng chỉ khi thông tin, hình ảnh nhạy cảm, mang tính chất tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lí, lợi ích của trẻ mới bị cấm đăng lên khi không có sự cho phép của trẻ. Trên thực tế, quyền về hình ảnh của con trẻ, cũng như quyền này của người lớn, nằm độc lập với các tiêu chí này. Trên nguyên tắc, hình ảnh của bất cứ ai cũng không thể bị đăng lên mạng khi không có sự đồng ý của người đó. Trong trường hợp trẻ em, cần có sự đồng ý của bố mẹ, vì bố mẹ là đại diện pháp luật cho con trẻ.
Tuy điều 6, khoản 11 của Luật bảo vệ trẻ em 2016 kết hợp với điều 33 của nghị định 56/2017/NĐ-CP nhằm tới mục đích bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em, nhưng trên thực tế lại còn nhiều thiếu sót, bất cập, chưa nói đến việc tới giờ chưa có chế tài nào để xử phạt vi phạm điều 6 khoản 11. Vì thế, cần xem xét lại các quy định này để thực thi tốt hơn quyền trẻ em tại Việt Nam.
Lê Thị Thiên Hương, Nghiên cứu viên Ban Internet & Pháp luật - Quản trị công, VPIS
(Theo báo Kinh tế Sài Gòn)
Tham khảo
Luật bảo vệ trẻ em 2016, điều 6 khoản 11: hành vi bị nghiêm cấm
« Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP
TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG
Điều 33. Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Điều 34. Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.
2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
3. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Điều 35. Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
2. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
3. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.
5. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Điều 37. Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
2. Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
[1] Ví dụ như thông tin trẻ em là “con nuôi” của cha mẹ