Hà Nội, ngày 11-13/1/2017, Chương trình Internet và Xã hội phối hợp cùng Khoa Báo chí & Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hãng thông tấn Thomson Reuters, Hội nhà báo Việt Nam và Công ty Suntory Pepsico tổ chức khóa học “Quản trị tòa soạn và đưa tin trực tiếp trong bối cảnh mạng xã hội” cho 32 học viên là các phóng viên trẻ và đang đảm nhận các chức vụ quản lý của hơn 25 cơ quan báo chí và truyền hình trên cả nước. Khoá học tập trung cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm mới trên thế giới về đưa tin trực tiếp và quản trị tin bài trong bối cảnh mạng xã hội đang trở thành kênh thu thập và chuyển phát tin tức quan trọng. Khóa học cũng giới thiệu các xu hướng tích hợp và dịch chuyển của truyền thông xã hội bằng việc tham chiếu tới các trường hợp điển hình trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, khoá học hướng tới việc đảm bảo các tiêu chuẩn nghiệp vụ, đạo đức báo chí dưới áp lực tốc độ đưa tin và cạnh tranh độc giả trong kỷ nguyên số.
Đến dự Buổi khai mạc có Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, GS. TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình nghiên cứu Internet & Xã hội, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Nhà báo Việt Nam, Bà Victoria Rhodin Sandström, Bí Thư thứ hai, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Ông Lê Linh, PTGĐ Đối ngoại & Truyền thông, Suntory PepsiCo Việt Nam,
Khóa học được dẫn dắt bởi nhà báo Timothy Stoker Large – Nguyên giám đốc Chương trình “Báo chí và Truyền thông”, Quỹ Thomson Reuters và PGS.TS Vũ Quang Hào - Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH & NV với những chia sẻ, phân tích chuyên sâu các tình huống cũng như thách thức mà báo chí phải đối mặt trong thời đại mạng xã hội lên ngôi.
Ngay từ buổi đầu khóa học, nhà báo Timothy đã nhận định rằng thách thức lớn nhất của các phóng viên trong cuộc chiến thông tin với mạng xã hội là việc giữ đạo đức nghiệp vụ khi kiểm chứng tin tức để đưa tin. Dựa vào kinh nghiệm làm việc tại Reuters, ông chia sẻ cách thức vận hành bộ lọc, kiểm định chất lượng thông tin của hãng tin từ việc liên hệ nhiều nguồn tin đáng tin cậy cũng như kiểm tra kĩ càng nguồn phát đầu tiên của tin tức. Theo ông, kỹ năng cơ bản liên quan việc tích hợp mạng xã hội trong việc đưa tin luôn cần song hành với trách nhiệm và đạo đức người làm báo. Từ đó, ông đưa ra bộ nguyên tắc đạo đức, ứng xử khi tác nghiệp của hãng tin Reuters như: tin tức cần nhanh nhưng luôn đảm bảo tính trung thực, trung lập, không làm tin giả, không nhận tiền hay trả tiền để tham dự lấy tin… Dựa trên cơ sở đó, các tòa soạn Việt Nam có thể tham khảo và tạo khung tiêu chuẩn đạo đức riêng xác định rõ mối quan hệ giữa các phóng viên và mạng xã hội để hướng tới đảm bảo vai trò của báo chí dưới áp lực tốc độ đưa tin và cạnh tranh thông tin.
Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm lý thuyết, ông Timothy còn đưa ra bài tập thực hành cụ thể để các nhà báo áp dụng những kĩ năng đưa tin vào tác nghiệp thực tế với lớp học được chia thành những tòa soạn báo nhỏ được tác nghiệp bằng các điện thoại smartphone để ghi hình, soạn tin và đưa tin trực tiếp với những tình huống giả định về thảm họa, thiên tai và dịch bệnh xảy ra liên tiếp cùng sự đa dạng, tràn ngập các nguồn tin từ các phương tiện truyền thông xã hội đa dạng khác nhau. Tình huống khẩn cấp và áp lực về thời gian đòi hỏi các phóng viên phải có kĩ năng ứng phó nhanh với những sự kiện khẩn cấp, lập chiến lược, chiến thuật phân bổ nguồn lực, cách thức tìm kiếm và kiểm chứng thông tin để cập nhật những tin tức nhanh chóng, chính xác, độc quyền và chất lượng nhất mà vẫn giữ được bình tĩnh và đạo đức nghề nghiệp trước sự thay đổi tình hình và cuộc đua tin tức với mạng xã hội. Ví dụ, kỹ năng phỏng vấn nạn nhân của thảm họa thiên tai được phân tích kỹ càng về bản lĩnh khi tác nghiệp nhưng không tách biệt tính nhân văn, đồng cảm giữa con người với con người khi đối mặt với những tình huống đặc biệt về tổn thất trong thảm họa.
Tiếp nối những kiến thức mới về quản trị tòa soạn và đưa tin trong bối cảnh mạng xã hội, những chia sẻ về đạo đức báo chí cũng như những thách thức mang tính toàn cầu trong môi trường thông tin hiện nay, PGS.TS Vũ Quang Hào đi sâu phân tích cụ thể thực trạng quản trị và đưa tin trực tiếp tại các tòa soạn ở Việt Nam. Tham chiếu các vấn đề đó trên thế giới, ông Timothy cung cấp bức tranh toàn cảnh về truyền thông toàn cầu 2016 qua Báo cáo tin tức số 2016 của Viện nghiên cứu báo chí Reuters, đồng thời cập nhật các xu hướng và thách thức mới trên thế giới về việc đưa tin trực tiếp trong tương quan với sự phát triển của truyền thông xã hội trong năm 2017.
Sau ba ngày diễn ra với nhiều chủ đề bàn luận, chia sẻ và các hoạt động tương tác, xử lý tình huống, khóa học đã khép lại với sự hài lòng đến từ các học viên về một trải nghiệm thú vị và đem lại nhiều bài học quý giá về các kĩ năng nghiệp vụ mới cũng như việc giữ gìn đạo đức báo chí trong bối cảnh của thời đại tin tức số. Anh Phạm Quang Minh, Quản trị tòa soạn Báo CafeF chia sẻ: “Thực chất trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, rất nhiều tòa soạn đang gặp phải khó khăn trong việc quản trị và đưa tin, tất cả đều bối rối trong cơn bão thông tin như vậy. Rất nhiều vấn đề đặt ra chưa biết trả lời, chưa biết giải quyết như thế nào? Khóa học bên cạnh cung cấp những kiến thức hữu ích còn mang lại cơ hội giao lưu giữa các nhà báo giữ các vị trí quan trọng trong các tòa soạn để mọi người cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện tác nghiệp và trao đổi việc đưa tin trước những thách thức hiện nay”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông
GS. TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình nghiên cứu Internet & Xã hội
Nhà báo Timothy Stoker Large – Nguyên giám đốc Chương trình “Báo chí và Truyền thông”, Quỹ Thomson Reuters
Họp báo giả lập về thảm họa thiên tai với công cụ tác nghiệp là smartphones để ghi hình, livestream, soạn tin và đưa tin trực tiếp
Bà Victoria Rhodin Sandström, Bí Thư thứ hai, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam (thứ nhất từ phải), TS. Phạm Hải Chung, Đồng Trưởng ban Internet & Truyền thông, VPIS (thứ hai từ phải)
Ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Internet & Xã hội, VPIS