Vài năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Twitter, chúng ta cũng chứng kiến sự bùng nổ của những phát ngôn có tính chất khơi gợi sự thù hận (hate speech).
Hate speech là gì ?
Cụm từ này thường được sử dụng để chỉ những phát ngôn vô cùng tiêu cực, có nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sự bình yên của xã hội. Theo Ủy ban châu Âu (EC), “hate speech” bao gồm tất cả các hình thức phát ngôn gieo rắc hoặc ủng hộ sự thù hận sắc tộc, bài ngoại, cũng như tất cả các phát ngôn sỉ nhục, kỳ thị do thiếu lòng dung thứ đối với sự khác biệt. Nói ngắn gọn, hate speech là những phát ngôn tấn công, sỉ nhục một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân cụ thể với mục đích gieo rắc sự căm ghét hay kêu gọi bạo lực đối với người hoặc nhóm người này vì lý do tôn giáo, sắc tộc, giới tính...
Một trong những vụ hate speech nổi bật nhất gần đây là việc nữ diễn viên da màu người Mỹ Lesli Jones bị sỉ nhục thậm tệ sau khi bộ phim Ghostbusters mà cô thủ vai được phát hành năm 2016. Những lời lăng mạ đã làm nữ diễn viên tổn thương nặng nề, cô viết trên Twitter rằng: “Twitter, tôi biết là bạn rất tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nhưng cần phải tôn trọng những nguyên tắc cư xử, khi bạn cho phép gieo rắc thù hận như thế”.
Ngày càng có nhiều nạn nhân của hate speech, chủ yếu do xung đột xã hội ngày càng tăng. Ở nước ngoài, tác giả của những phát ngôn này thường bị gọi là “kẻ thù hận”, hay “troll” (nghĩa gốc của từ tiếng Anh này là người khổng lồ độc ác) - những kẻ gây rối chính hiệu trên mạng xã hội.
Ở Việt Nam, hate speech không thiếu trên mạng xã hội. Nhiều khi, không có lý do gì cụ thể như phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, mà đơn giản chỉ là … thích thì chửi, không đồng quan điểm là … lăng nhục. Thậm chí, gia đình của những người bị tình nghi phạm tội cũng trở thành mục tiêu “ném đá” của dân mạng với những lời lẽ vô cùng nặng nề. Người càng nổi tiếng trên báo mạng càng dễ trở thành nạn nhân của những phát ngôn kiểu này. Ví dụ như một nữ tác giả từng bị sỉ nhục thậm tệ trên Facebook vì quan điểm của bà không làm hài lòng nhiều người. Nhưng thay vì phản biện quan điểm, họ tập trung vào lăng mạ hình thức, giới tính của bà một cách thản nhiên. Rõ ràng là do tính chất của mạng xã hội, nhiều người nấp sau màn hình không ngại ngần gì mà không xúc phạm người khác, điều họ không dám làm ở ngoài đời.
Vì thế, đã đến lúc để đặt ra câu hỏi hate speech ở mức độ nào là bất hợp pháp? Hay nói cách khác, ở giới hạn nào thì ta đi quá ngưỡng của tự do ngôn luận? Cần phải làm gì để hạn chế phát ngôn thù hận?
Có nên cấm hate speech?
Tùy theo luật của từng quốc gia mà hate speech ở mức độ nào thì bị coi là vi phạm pháp luật. Ví dụ, vào năm 2010, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Brice Hortefeux bị tòa án Paris tuyên án phạm tội “xúc phạm sắc tộc” vì trong một cuộc họp, ông đã nhắm tới một người gốc Arab bằng câu nói “khi họ chỉ có một, thì ổn thôi, nhưng khi họ có nhiều, thì mới thực là vấn đề”. Ông bị tòa tuyên phạt 750 Euro. Trường hợp của ông, người ta gọi là “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận.
Trong luật của Pháp, những hành vi xúc phạm nơi công cộng đến người khác liên quan đến chủng tộc, giới tính, đồng tính, hay tàn tật có thể bị phạt tới 6 tháng tù và 22.500 Euro. Trong luật Việt Nam, hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự” người khác cũng bị xử phạt bởi điều 121 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Hành vi vu khống, tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử phạt không chỉ hành chính, mà còn hình sự, với mức phạt khá nặng.
Ngoài Pháp, nhiều nước phát triển khác tại châu Âu, cùng với một số nước phát triển khác như Canada và New Zealand, cũng đã áp dụng một hệ thống luật xử phạt những phát ngôn đi quá giới hạn, vì chúng bị coi là “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, ở Mỹ, nơi tự do ngôn luận được nhìn nhận hơi khác một chút, Tòa án tối cao Mỹ thường tránh không hạn chế hate speech, vì coi rằng điều này đi ngược lai nguyên tắc tự do ngôn luận của Hiến pháp Mỹ.
Trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966, khoản 2 của điều 20 tuyên bố rằng: “Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”. Nước Mỹ cho rằng điều 20 của công ước trên không buộc Mỹ phải thông qua các đạo luật hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền quy định trong Hiến pháp của nước này.
Chính sự khác biệt trong cách tiếp cận “hate speech” giữa các quốc gia làm cho câu hỏi “luật có nên cấm hate speech hay không?” trở nên thật khó trả lời.
Hate speech không phải là một khái niệm pháp lý. Không hề tồn tại tội nào có tên là “hate speech”, cả trong luật nước ngoài lẫn luật Việt Nam. “Hate speech” cần phải được phân biệt với tội thù hận (hate crime) - một thuật ngữ hay được dùng tại Mỹ để chỉ những hành động phạm tội được thực hiện với động cơ phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị.
Chống hate speech trên mạng - Bài toán khó
Khó khăn lớn nhất trong việc đấu tranh chống lại hate speech trên mạng đến từ bản chất của mạng xã hội. Do tính chất quá rộng, thậm chí vượt biên giới của mạng xã hội nên nạn nhân khó có thể khởi kiện những người có phát ngôn thù hận với mình. Hơn nữa, khởi kiện sẽ mất thời gian, công sức và tiền bạc, nên nhiều nạn nhân chọn cách … im lặng. Vì thế, cũng cần phải nghĩ đến giải pháp khác ngoài luật.
Vậy những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải làm gì để hạn chế hate speech trên mạng? Có vẻ như các “ông trùm” mạng xã hội như Facebook, Twitter chưa làm gì thực sự hiệu quả để hạn chế hate speech trên mạng. Dù Facebook chính thức cấm hate speech trên mạng này, và có chức năng giúp người sử dụng thông báo cho Facebook những phát ngôn không phù hợp, chỉ có khoảng 46% những phát ngôn này bị xóa bởi Facebook. Tỉ lệ này ở YouTube là 10% và ở Twitter là 1%.
Do hiện tượng hate speech trở nên nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang kêu gọi xây dựng luật chống lại phát ngôn thù hận. Liên minh Châu Âu (EU) đã thiết lập “Bộ luật Ứng xử” trên mạng xã hội và Facebook, Twitter, Youtube đều cam kết thực hiện bộ luật này nhằm hạn chế hate speech. Gần đây, nước Đức đang xây dựng một bộ luật liên quan đến vấn đề này, đòi hỏi Facebook phải có nghĩa vụ hợp tác nhanh và hiệu quả hơn nữa trong cuộc chiến chống lại hate speech. Nếu không, Facebook sẽ bị phạt một khoản tiền lớn. Đức dường như đang đi đầu trong cuộc chiến này. Rất có thể lý do là mới đây một tòa án của Đức đã phải đưa ra phán quyết rằng không có điều luật nào của nước này có thể buộc Facebook xóa mọi hình ảnh và bình luận ác ý đối với một thanh niên tị nạn Syria – người selfie với Thủ tướng Angela Merkel – bị cáo buộc oan uổng là khủng bố.
Việt Nam cũng không phải là nước chậm trễ trong vấn đề xử lí hate speech trên Facebook. Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định những trách nhiệm của mạng xã hội trong việc đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin. Một số hành vi bị nghiêm cấm trên mạng xã hội như bôi nhọ, vu khống, tung tin đồn thất thiệt, hay gây mâu thuẫn, hận thù giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Nghị định quy định nghĩa vụ hợp tác của mạng xã hội, nhưng không nêu ra cụ thể các biện pháp có thể áp dụng trong trường hợp mạng xã hội không hợp tác hiệu quả để đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội, giúp họ hiểu được tác hại của hate speech đối với việc xây dựng một xã hội ổn định và hòa bình. Lập ra một “bộ luật ứng xử trên mạng xã hội Việt Nam” cũng là một điều rất nên làm để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam.
(Theo Lê Thị Thiên Hương, Baoquocte.vn)