Từ vài năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Twitter, chúng ta cũng chứng kiến sự bùng nổ của những … phát ngôn thù hận.
Phát ngôn thù hận (hate speech) là gì?
Tới giờ, chưa có tòa án hay luật của nước nào đưa ra định nghĩa rõ ràng của hành vi này. Nhìn chung, cụm từ này thường được sử dụng để chỉ những phát ngôn vô cùng tiêu cực, nhằm vào một số đặc điểm bản thân của “nạn nhân”, với mục đích kêu gọi kích động lòng thù ghét. Cụ thể hơn, phát ngôn thù hận là những phát ngôn tấn công, sỉ nhục một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân cụ thể, với mục đích reo rắc sự căm ghét hay kêu gọi bạo lực đối với cá nhân hoặc nhóm cá nhân này, vì lí do tôn giáo, sắc tộc, giới tính, quan điểm chính trị v.v.
Rõ ràng là phát ngôn thù hận có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự bình yên của xã hội. Trong một số trường hợp, phát ngôn thù hận không dừng ở “phát ngôn”. Nó có thể gây ra bạo lực trong xã hội, gây hận thù giữa các cộng đồng, và thậm chí dẫn đến những hành động cụ thể, như các hành động khủng bố ở châu Âu và Mỹ. Thật đáng buồn là càng ngày chúng ta càng chứng kiến sự lây lan với tốc độ chóng mặt của những phát ngôn thù hận. Đặc biệt, trong một xã hội chứa đựng sẵn những căng thẳng, nơi các cá nhân khó tìm thấy chỗ đứng cho bản thân, hiện tượng phát ngôn thù hận lại càng trở nên phổ biến. Vì thế, không khó hiểu khi ở nhiều nước trên thế giới, phát ngôn thù hận đang là vấn đề đau đầu của chính phủ. Chính vì thế, cần nghĩ đến các giải pháp cho vấn đề này.
Giải pháp đầu tiên: luật pháp nghiêm khắc hơn!
Giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. Giờ đây, với số người sử dụng Facebook hàng ngày là 1,3 tỉ người, sử dụng Twitter là 330 triệu người, và sử dụng Youtube là khoảng 1 tỉ người, việc quản lí thông tin và xử phạt phát ngôn thù hận trên mạng xã hội là điều đặc biệt cần thiết.
Cũng xin nói thêm rằng, ở nhiều nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn, phần lớn các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội - trừ những phát ngôn kích động bạo lực - được coi là hợp pháp vì lí do bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Ngược lại, nước Pháp có thể coi là một trong những nước có hệ thống luật nghiêm khắc nhất chống lại phát ngôn thù hận. Sự khác biệt này có thể giải thích bởi lí do vì quốc gia này áp dụng nguyên tắc tự do ngôn luận trong khuôn khổ giá trị đạo đức chung của đất nước. Tấn công « tinh thần » cá nhân bị coi là một “vi phạm” quyền cá nhân, vì thế luật quy định rất rõ việc cấm các phát ngôn thù hận. Ở Pháp, đạo luật áp dụng trong phần lớn các trường hợp phát ngôn thù hận này lại là một luật ra đời từ rất lâu, từ … năm 1881. Luật này liên quan đến tự do báo chí và đặt khuôn khổ cho tự do ngôn luận, đồng thời xử phạt tội vu khống, làm nhục và tội phát ngôn kì thị kích động sự phân biệt đối xử, kích động thù hận hoặc kích động bạo lực. Một số hành phi phát ngôn thù hận khác được quy định trong luật hình sự Pháp.
Tất nhiên, không phải bất cứ phát ngôn lăng mạ, sỉ nhục nào cũng bị luật xử phạt. Chuyện phân biệt thế nào là phát ngôn bất hợp pháp và không bất hợp pháp là một vấn đề quan trọng. Luật của Pháp phân biệt bốn hành vi khác nhau như lăng mạ, vu khống, kêu gọi kích động khủng bố, và kích động hận thù dân tộc. Sự khác nhau giữa vu khống (diffamation) và lăng mạ là hành vi vu khống dựa trên một sự kiện cụ thể, cần được kiểm tra về độ chính xác của sự kiện này đưa ra, trong khi hành vi lăng mạ không dựa trên sự việc cụ thể nào và không cần quy trình kiểm tra này. Hành vi lăng mạ (injure) là phát ngôn mang tính nhục mạ, xúc phạm nhắm vào cá nhân đối tượng bị lăng mạ, như tên, hình thức bề ngoài, giới tính, tôn giáo, sắc tộc v.v. Những hành vi lăng mạ dựa trên cơ sở giới tính, tôn giáo, sắc tộc sẽ bị xử phạt nặng hơn. Hành vi lăng mạ chỉ nhắm tới đối tượng là cá nhân con người, vì thế nó được phân biệt với hành vi “chê bai hàng hóa, dịch vụ” (dénigrement), ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng – một hành vi cũng bị luật của Pháp cấm, nhưng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật của Việt Nam.
Ở Pháp, đối với các phát ngôn thù hận trên mạng, đạo luật năm 1881 cũng được áp dụng. Vì thế các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội cũng sẽ bị xử phạt. Xin nói thêm là khi mạng xã hội là nơi tất cả mọi người đều có thể đọc được (ví dụ như khi để facebook ở chế độ “công cộng”), thì tòa án Pháp coi đây là nơi “công cộng” - nơi các phát ngôn thù hận bị xử phạt khá nặng. Ngược lại, khi các phát ngôn này được đăng trên một tài khoản facebook ở trạng thái “hẹp”, ví dụ như người chủ tài khoản chỉ cho một số lượng người nhất định đọc được (bạn bè), thì tòa án sẽ coi là đây là nơi “riêng tư” và hình phạt đối với phát ngôn thù hận cũng nhẹ hơn nhiều.
Có thể nói, mạng xã hội – cho dù có những điểm khác biệt căn bản với thế giới « thực » - không hề là “vùng vô luật” ở Pháp. Ở Pháp không thiếu các trường hợp cá nhân bị xử phạt vì phát ngôn bất hợp pháp trên mạng xã hội. Những hình phạt nặng, như tù giam kèm theo phạt tiền cũng đã từng được áp dụng. Hơn nữa, luật của Pháp còn xử phạt cá nhân nào cho phép người khác phát ra những phát ngôn thù hận trên facebook của mình, mà không có động thái nào nhằm loại bỏ những phát ngôn này. Năm 2013, Tòa phúc thẩm thành phố Nimes đã giữ nguyên phát quyết của tòa sơ thẩm phạt ông nghị sĩ Julien Sanchez (thuộc đảng cực hữu Front National của Pháp) 3000 euro vì việc để cho hai người bạn của mình đăng trên facebook của ông những phát ngôn kì thị người Hồi Giáo – bị tòa coi là những phát ngôn “kích động kì thị, kích động lòng thù hận sắc tộc và tôn giáo”. Tất nhiên, hai người bạn của ông, tác giả những phát ngôn này, cũng bị phạt, mỗi người 4000 euro. Đặc biệt là sau khi một số vụ khủng bố nổ ra tại Pháp, một số cá nhân cũng bị xử phạt nặng vì có những phát ngôn ủng hộ khủng bố, kêu gọi bạo lực trên mạng xã hội.
Tuy luật nghiêm khắc như thế, nhưng chưa đủ. Nước Pháp vẫn đang chứng kiến sự gia tăng của các phát ngôn thù hận trên mạng. Đúng thế, nguyên nhân chính của những khó khăn đặt ra cho việc hạn chế phát ngôn thù hận trên mạng là do bản chất của mạng xã hội, nơi người ta có thể giấu danh tính thật của mình và không dễ dàng cho các nhà điều tra tìm ra danh tính thật của người phạm luật. Hơn nữa, theo luật của Pháp, Facebook, Twitter hay Youtube đều là nhà cung cấp dịch vụ (hébergeur), vì thế, họ không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những phát ngôn do người dùng mạng xã hội đưa ra trên mạng. Chỉ khi nào nội dung phát ngôn rõ ràng là bất hợp pháp, thì luật mới quy định là mạng xã hội phải có trách nhiệm xóa nội dung đó. Trên thực tế, các nhà cung cấp mạng xã hội chưa thực sự tích cực và nhanh nhạy trong cuộc chiến chống lại phát ngôn thù hận. Cho dù hiện nay, trên các trang mạng xã hội đều tồn tại chức năng “thông báo vi phạm”, cho phép người xem thông báo với mạng xã hội những nội dung bất hợp pháp, tuy nhiên, tỉ lệ nội dung bị xóa bỏ sau khi thông báo vi phạm chưa nhiều và chưa hiệu quả (chỉ có khoảng 46% những phát ngôn này bị xóa bởi Facebook. Tỉ lệ này ở YouTube là 10% ở Twitter là 1%). Chính vì sự thờ ơ này, nhiều người thoải mái tung lên mạng xã hội những phát ngôn bất hợp pháp. Ví dụ như sau vụ người nhập cư bất hợp pháp bỏ mạng ở Calais (khu trại nhập cư) trên facebook ở Pháp nở rộ những “bình luận” thể hiện niềm vui rõ rệt và lòng thù ghét người nhập cư đến mức tờ France 3 Nord-Pas-de-Calais đã phải phẫn nộ giật tít rằng “Ăn mừng trên facebook vì cái chết của một người nhập cư, đáng xấu hổ, vô nhân đạo và bất hợp pháp”. Tòa án sơ thẩm Boulogne từng mở điều tra những phát ngôn thù hận trên mạng xã hội của tổ chức Chống nhập cư Sauvons Calais, nhưng kết quả không đến đâu vì những khó khăn kĩ thuật, và đặc biệt là thiếu sự hợp tác của Facebook. Ngay cả tổng thống Pháp François Hollande cũng đã từng lên tiếng chỉ trích các “ông trùm” mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter là không tích cực trong cuộc chiến chống phát ngôn thù hận.
Giải pháp nào khác ngoài pháp luật?
Vấn đề phát ngôn thù hận hiện đang là một trong những vấn đề nổi trội thu hút sự quan tâm của giới báo chí, các tổ chức xã hội và chính phủ Pháp. Nhiều giải pháp đa dạng đã được đưa ra, và thực hiện tại Pháp nhằm hạn chế phát ngôn thù hận.
Có giải pháp rất … đơn giản, như việc tờ báo Nord Littoral của Pháp quyết định đăng trên trang Facebook của báo những tác giả của các phát ngôn thù hận trên mạng và gọi đó là “bức tường nhục nhã”, nhằm chỉ trích những hành động phát ngôn bất hợp pháp. Tất nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả, vì người ta hoàn toàn có thể phát ngôn bất hợp phát với một tài khoản nặc danh.
Giải pháp khác, ở quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, đó chính là việc năm 2016 Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Rõ ràng là ngoài các quy định pháp lí cụ thể và nghiêm khắc, các biện pháp nhằm vào việc xử lí nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm là điều cần thiết.
Tất nhiên, việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng không phải là giải pháp “đủ”. Giáo dục chính là một trong những giải pháp bổ sung, và không kém phần quan trọng. Bà Pascale Garreau, người đứng đầu chương trình “Internet không sợ hãi” của Ủy ban Châu Âu kết luận rằng “Giáo dục là chìa khóa để thay đổi cách cư xử trên mạng, và sau đó là cách cư xử nơi công cộng”. Ủy ban giáo dục bảo vệ sức khỏe và quyền công dân, thuộc Bộ Giáo dục quốc gia Pháp đã phối hợp tổ chức nhiều dự án và chiến dịch nhằm hướng sự chú ý của học sinh và các bậc phụ huynh tới vấn đề phát ngôn trên mạng. Ủy ban này nhằm vào việc giáo dục học sinh những khái niệm « công dân kĩ thuật số » tiếp thu thông tin đầy đủ và có trách nhiệm trên mạng xã hội, giúp các em hiểu về các quyền chính trị, xã hội và văn hóa, cũng như quyền phát ngôn trên mạng xã hội và hậu quả khi vi phạm các nguyên tắc phát ngôn trên mạng xã hội.
Gần đây, Facebook cũng đã có nhiều động thái tích cực hơn tại Pháp, cụ thể là đã bắt đầu thực hiện 3 chương trình cụ thể. Chương trình OCCI (Online Civil Courage Initiative) nhằm vào việc khuyến khích các phát ngôn chống lại phát ngôn thù hận, kêu gọi sự đoàn kết, đề cao các giá trị nhân văn, khuyến khích nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng như khuyến khích các chiến dịch chống lại phát ngôn thù hận. Chương trình P2P: challenge Extremism (chống cực đoan) là chương trình khuyến khích sinh viên tại các trường đại học của Pháp lập ra các chiến dịch “kĩ thuật số” và trên mạng xã hội chống lại các tư tưởng cực đoan. Cuối cùng là chương trình Facebook hợp tác với tổ chức La Fondation de France khuyến khích phát triển « tư duy phản biện », liều thuốc hiệu quả chống lại các phát ngôn thù hận.
Ở Việt Nam, phát ngôn thù hận không hề thiếu trên mạng xã hội. Chửi bới, đe dọa, lăng nhục, bôi nhọ hay thậm chí vu khống – là những hành vi khá “quen thuộc” trên facebook Việt Nam. Nhiều khi, không có lí do gì cụ thể như phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, mà đơn giản chỉ là … thích thì chửi, không đồng quan điểm là … lăng nhục. Người càng nổi tiếng trên báo mạng thì càng dễ trở thành nạn nhân của những phát ngôn thù hận này. Tác giả bài báo này đã từng chứng kiện một nữ tác giả đã từng bị sỉ nhục thậm tệ trên mạng facebook vì quan điểm của bà không làm hài lòng nhiều người. Thay vì phản biện quan điểm, họ tập trung vào lăng mạ hình thức, giới tính của bà một cách thản nhiên, như một việc hoàn toàn bình thường. Trước hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến của phát ngôn thù hận bất hợp pháp, đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế những phát ngôn này, vì một sự bình yên và đoàn kết của xã hội. Kinh nghiệm của nước Pháp trong vấn đề này có thể là một bài học quý cho Việt Nam.
NCS. Lê Thị Thiên Hương, ĐH Poitiers, Pháp
Nghiên cứu viên Ban Internet và Pháp luật - Quản trị công