HÀ NỘI, sáng ngày 14.1.2017, tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Chương trình Nghiên cứu Internet & Xã hội (VPIS) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên” nhằm trao đổi để đưa ra toàn cảnh thực trạng tin giả trên mạng xã hội và những tác động và ảnh hưởng tiêu cực tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Buổi thảo luận tập trung làm rõ một số câu hỏi: vai trò của báo chí trong việc đưa thông tin minh bạch, trung thực tới độc giả? Làm sao chọn lọc những tin tức chính xác? Làm sao vẫn giữ được đạo đức báo chí dưới áp lực chạy đua thông tin với mạng xã hội? và sự cần thiết về một bộ Quy tắc ứng xử cho mạng xã hội tại Việt Nam.
Buổi toạ đàm có sự tham dự phát biểu khai mạc của GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH & NV, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc VPIS, Nhà báo Timothy Stoker Large, Nguyên giám đốc chương trình Báo chí và Truyền thông, Quỹ Thomson Reuters, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Vietnam Plus, ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên VPIS, TS. Phạm Hải Chung, Đồng trưởng ban Internet và Truyền thông, VPIS, TS. Phan Thuỳ Trâm - Ủy viên Hội đồng biên tập Báo Phụ nữ mới, ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Tổng biên tập Báo Ngày nay, ông Trương Hoàng Long – Thư ký toàn soạn Báo Tiền Phong cùng đại diện các báo đài, cơ quan, doanh nghiệp có liên quan.
GS.TS Phạm Quang Minh, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh và TS. Phan Thùy Trâm đang xem ấn phẩm Phụ Nữ Mới
Buổi tọa đàm tập trung trao đổi ba chủ đề chính dưới góc nhìn đa chiều của nhiều chuyên gia nghiên cứu, nhà báo, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Tại phiên mở đầu, thông qua Báo cáo tin tức số 2016 (Digital News Report 2016) của Reuters, ông Timothy Stoker Large tóm tắt bức tranh toàn cảnh về truyền thông toàn cầu năm 2016. Báo cáo cho thấy sự thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng khi coi mạng xã hội như một nguồn cập nhật tin tức hằng ngày. Trong bối cảnh đó, ông đưa ra những câu chuyện cảnh báo và các con số đáng lo ngại về vấn nạn tin giả đang lan truyền, đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Từ đó, ông Timothy dự đoán một số xu hướng mới năm 2017 với sự tiếp tục phát triển của tin tức trên mạng xã hội, vai trò ngày một quan trọng của “Trí thông minh nhân tạo” và ông cũng nhận định sự gia tăng nhanh chóng của tin giả càng khẳng định vai trò cũng như cơ hội của báo chí truyền thống trong việc dành lại niềm tin của độc giả.
Nhà báo Timothy Stoker Large, Nguyên giám đốc chương trình Báo chí và Truyền thông, Quỹ Thomson Reuters cùng các diễn giả
Đi sâu bàn về thực trạng của tin giả tại Việt Nam, ông Cao Hoàng Nam đã trình bày tại toạ đàm một số ví dụ điển hình ảnh hưởng không chỉ nhiều cá nhân, doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến cộng đồng xã hội. Nhà báo Lê Quốc Minh tập trung phân tích vai trò của người làm báo trước vấn nạn này. Theo ông, tin giả là hiện tượng đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, nay được sự hỗ trợ từ các mạng xã hội nên có cơ hội lan truyền mạnh và gây ảnh hưởng sâu rộng. Thực trạng hiện nay không chỉ dừng ở mức nghiêm trọng mà chúng ta đang thực sự ở trong một cuộc chiến với nó. Trong cuộc chiến đó, báo chí đã không còn là người gác cổng kiểm soát thông tin nữa mà đã dịch chuyển vai trò sang kiểm định chất lượng và sự trung thực của tin tức. Cụ thể, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhận thức đầy đủ về sự thay đổi thói quen tiêu dùng thông tin của công chúng, bắt đầu những chuẩn bị cần thiết cho một phương thức hoạt động mới sẽ là những điểm then chốt thách thức những người làm báo trong cuộc chạy đua với mạng xã hội. Các tờ báo và các nhà báo sẽ chính là những nguồn tin chính xác để cộng đồng mạng xã hội tham khảo, từ đó loại bỏ các tin tức giả mạo.
Theo TBT VietnamPlus Lê Quốc Minh, có một số bước để kiểm định tin giả:
- Kiểm tra đường dẫn URL của báo đến từ đâu
- Đọc kỹ phần giới thiệu của trang tin
- Kiểm tra thông tin nội dung bằng Google search
- Thẩm định hình ảnh bằng Google photo search
TBT VietnamPlus Lê Quốc Minh
Trước thực trạng báo động của tin giả, rất nhiều diễn giả, học giả, nhà báo và đại diện các doanh nghiệp tham gia toạ đàm đã đi sâu bàn luận về phương án giải quyết và đề xuất một số giải pháp. Các ý kiến đưa ra đều thống nhất quan điểm bên cạnh việc xây dựng những dịch vụ kiểm định thông tin (Fact Checking Service) thì việc đưa ra những quy chuẩn chung cho các bên tham gia trên mạng xã hội là cần thiết . Vì vậy, Chương trình Internet và Xã hội (VPIS) dự kiến thúc đẩy dự án xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct) trên mạng xã hội Việt Nam” với mong muốn tạo góp phần kiến tạo môi trường Internet minh bạch và tốt đẹp hơn tại Việt Nam.