Ngày 12/4/2017, Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH & NV) và Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” tại KS Army, 1 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.
Hội thảo là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét” với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các học giả trong nước và quốc tế. Diễn đàn là cầu nối đối thoại để các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội cùng thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp khả thi, hướng tới xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn và công bằng cho người sử dụng.
Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ18 phút mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của mạng xã hội trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Phát ngôn gây thù ghét (hate speech) ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Soi chiếu vào bối cảnh tại Việt Nam, VPIS công bố trong nghiên cứu của mình (trên 1000 mẫu nghiên cứu khảo sát), 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: “Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.”
GS.TS. Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết “Trong thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội và tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn nữa từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi cho rằng, Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” là một cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng và doanh nghiệp cùng thảo luận các giải pháp khả thi để hướng tới các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông
TS. Phạm Hải Chung, Đồng trưởng ban Internet và Truyền thông, VPIS cho rằng: “Tùy vào bối cảnh từng quốc gia và khu vực với những mâu thuẫn nội tại, yếu tố văn hóa và quan điểm chính trị riêng biệt mà phát ngôn gây thù ghét được định nghĩa và bao trùm những khía cạnh khác nhau. Ở Việt Nam, phát ngôn gây thù ghét cũng đang lan tràn trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức. Theo kết quả khảo sát của VPIS, trong các nội dung phát ngôn gây thù ghét, 61,7% người sử dụng Mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỉ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.”
TS. Phạm Hải Chung, Đồng trưởng ban Internet và Truyền thông, VPIS đưa ra thực trạng phát ngôn gây thù ghét tại Việt Nam
Bằng những ví dụ cụ thể, trong cuốn sách “Thiện, ác và smartphone”, Tác giả. TS. Đăng Hoàng Giang đã đưa ra thực trạng của văn hóa lăng nhục công cộng thời mạng xã hội tại Việt Nam: “Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt.”
TS. Đăng Hoàng Giang chia sẻ về văn hóa lăng nhục trên mạng xã hội tại Việt Nam
Phát ngôn gây thù ghét là một trong những vấn nạn toàn cầu đang phải đối mặt trong Kỷ nguyên số, các quốc gia trên thế giới cũng đang cố gắng tìm ra những cách giải quyết hiệu quả nhất. Từ đó, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các nước trên thế giới.
TS. Andreas Mattsson, Giám đốc Trường Báo chí & Truyền thông, ĐH Lund, Thụy Điển chia sẻ thực trạng tin giả và phát ngôn gây thù ghét tại Thụy Điển: “Những phát ngôn gây thù ghét tồn tại trên mạng xã hội đang đe dọa sự tự do và an toàn của người dùng Internet, đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề kì thị giới tính khi những chỉ trích thường xuyên hướng đến nữ giới. Đây là một vấn nạn toàn cầu, vì vậy, việc cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp giữa các quốc gia về vấn đề này là vô cùng quan trọng.”
TS. Andreas Mattsson, Giám đốc Trường Báo chí & Truyền thông, ĐH Lund, Thụy Điển chia sẻ thực trạng phát ngôn gây thù ghét và kinh nghiệm giải quyết của Thủy Điển
NCS Tiến sĩ Lê Thị Thiên Hương, từ ĐH Poitiers, Pháp chia sẻ một số giái pháp cho vấn nạn phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Pháp: trong đó nhấn mạnh “Giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. Giải pháp khác, ở quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, đó chính là việc năm 2016 Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Rõ ràng là ngoài các quy định pháp lí cụ thể và nghiêm khắc, các biện pháp nhằm vào việc xử lí nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm là điều cần thiết”. Tuy nhiên, bà Thiên Hương cũng cho rằng việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng không phải là giải pháp “đủ”. Giáo dục chính là một trong những giải pháp bổ sung, và không kém phần quan trọng.
NCS Tiến sĩ Lê Thị Thiên Hương, Đồng trưởng Ban Internet & Pháp luât - Quản trị công (VPIS) từ ĐH Poitiers, Pháp chia sẻ một số giái pháp cho vấn nạn phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Pháp
Anh Cao Hoàng Nam, Điều phối viên trưởng Chương trình Internet & Xã hội (VPIS) nêu lên thực tế rằng, các mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam là Facebook, Twitter hay Youtube là những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ, các công ty này đều cho rằng họ không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Mặc dù trên các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận, tuy nhiên, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Trước thực trạng này, đã đến lúc buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét để hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng tại Việt Nam”.
Ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên trưởng VPIS đề xuất Bộ Quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam
Diễn đàn đã làm rõ và tạo được sự đồng thuận giữa Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và xã hội về tác hại của “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp” đối với cá nhân, tổ chức và xã hội trên môi trường mạng xã hội. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và dựa trên bối cảnh thực tế tai Việt Nam, hội thảo đồng tình quản điểm cần kết hợp những biện pháp mềm mang tính đạo đức và giáo dục với đề xuất xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam” theo đề xuất của Chương trình Nghiên cứu Internet & Xã hội, Trường ĐH KHXH & NV cùng việc tăng cương thực thi quản lý nhà nước với những quy định cứng rắn và cụ thể hơn để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề này.
Các vấn đề được đề cập trong hội thảo sẽ nằm trong những chủ đề chính của Diễn đàn Internet Việt Nam (Vietnam Internet Forum) lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra vào Quý 4 năm 2017, đây là hội nghị quốc tế quy tụ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách thảo luận đa chiều về mối quan hệ tương tác giữa Internet và các mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam dưới góc độ của khoa học xã hội và nhân văn.
Một số hình ảnh của hội thảo
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tích HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê chia sẻ thực trạng và tác động các phát ngôn gây thù ghét đối với các doanh nghiệp
TS. Bùi Hải Thiêm, Viện nghiên cứu Lập pháp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đưa ra các tiếp cận vấn đề phát ngôn gây thù ghét theo khung pháp lý liên quan tại Việt Nam
Phiên thảo luận trong hội thảo
Các phiên thảo luận trong hội thảo