Internet thay đổi cách con người ghi nhớ như thế nào?

Internet thay đổi cách con người ghi nhớ như thế nào?

 

Nguồn: Jason Palmer, "Internet's memory effects quantified in computer study", bbc.com

Biên dịch: Mai Hà An | Biên tập: Mai Mai

 

Theo một nghiên cứu từ Tạp chí Khoa học, máy tính và mạng Internet đang thay đổi bản chất ghi nhớ thông tin của chúng ta.

 

Các thí nghiệm tâm lý đã chỉ ra rằng khi được hỏi những câu hỏi khó, con người lại bắt đầu nghĩ đến máy tính. Khi những người được hỏi biết rằng các câu trả lời có thể được tìm thấy trên máy tính, họ thể hiện sự khó khăn trong việc trả lời câu hỏi nhưng lại nhớ tốt nơi lưu trữ những nguồn thông tin cho câu trả lời đó.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng mạng Internet hoạt động như một “transactive memory” (tạmdịch: “trí tuệ hợp tác”) mà chúng ta dựa dẫm vào với mục đích ghi nhớ hộ thông tin.

 

Tác giả chính của nghiên cứu, bà Betsy Sparrow thuộc trường đại học Cô-lôm-bi-a, định nghĩa trí tuệ hợp tác “là một ý tưởng thể hiện rằng có tồn tại các nguồn ghi nhớ bên ngoài– những nơi lưu trữ thông tin thực sự nằm ở những người khác”. Bà lý giải với đài BBC “Tất cả các lĩnh vực đều có những chuyên gia riêng, chúng ta tin tưởng vào nguồn thông tin họ cung cấp cũng như khiến họ có trách nhiệm trong việc cung cấp những thông tin họ nắm rõ”.

 

Đồng tác giả của nghiên cứu này, Daniel Wegner thuộc trường đại học Harvard, lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “trí tuệ hợp tác” trong một chương sách có tựa là “Sự tương thuộc nhận thức trong các mối quan hệ thân thiết” khi phát hiện ra rằng các cặp đôi gắn bó với nhau lâu dài tin tưởng trí nhớ người bạn đời của mình và dựa vào đó như những ngân hàng lưu trữ thông tin.

“Tôi thực sữ nghĩ rằng mạng Internet đang dần trở thành một trí tuệ hợp tác như vậy, và tôi muốn kiểm chứng điều đó”- Tiến sĩ Sparrow nói.

 

“Ở đâu?” thay vì “Cái gì?”

 

Phần đầu của nghiên cứu này có mục tiêu kiểm tra xem liệu các đối tượng có ngay lập tức nghĩ đến máy tính và mạng Internet khi phải đối diện với những câu hỏi khó hay không. Để làm điều đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một bài kiểm tra được biết đến như một dạng đã được điều chỉnh của bài kiểm tra Stroop. 

 

Bài kiểm tra Stroop chính thống nghiên cứu xem một người cần bao nhiều thời gian để đọc một từ chỉ màu mà được viết bằng màu mực khác (ví dụ như từ “xanh lá cây” được viết bằng màu xanh nước biển).

 

Thời gian phản ứng tăng, khi thay vì được hỏi những từ chỉ màu sắc, người tham gia được hỏi về các từ khóa thuộc các chủ đề họ có thể đang nghĩ đến. Bằng cách này, nhóm nghiên cứu –sau khi đưa ra những câu hỏi khó dạng đúng sai cho người phỏng vấn – nhận ra rằng thời gian phản ứng với các thuật ngữ liên quan đến mạng Internet lâu hơn đáng kể. Điều đó gợi ý rằng khi người được phỏng vấn không biết câu trả lời, họ đã cân nhắc đến việc lấy thông tin đó thông qua máy tính.

 

Một thí nghiệm thuyết phục hơn cung cấp một loạt các thông tin cho những người tham gia phỏng vấn, trong đó một nửa số người tham gia phỏng vấn được yêu cầu lưu trữ các thông tin ở các tệp tin trên máy tính, nửa còn lại được báo rằng thông tin sẽ bị xóa sau đó. Khi được hỏi về việc ghi nhớ các thông tin này, nhóm hai nhớ tốt hơn nhiều so với nhóm một. Nhưng những người ở nhóm một lại nhớ rất tốt việc những thông tin được hỏi được lưu trữ trong tệp nào.

 

Theo tiến sĩ Sparrow, “thí nghiệm này chỉ ra rằng đối với những thông tin chúng ta có thể tìm trên mạng, chúng ta có xu hướng lưu trữ chúng trên mạng luôn – chúng ta lưu trữ chúng ở bộ nhớ ngoài”  

 

Bà lý giải xu hướng của những người được phỏng vấn khi nhớ vị trí lưu trữ thông tin thay vì nhớ những thông tin chuẩn xác là dấu hiệu cho thấy không phải con người bị suy giảm khả năng ghi nhớ mà chỉ đơn giản là họ sắp xếp lượng lớn thông tin sẵn có theo một cách dễ tiếp cận hơn. “Tôi không nghĩ rằng Google khiến chúng ta đần độn hơn- chúng ta chỉ thay đổi cách thức ghi nhớ… Nếu bạn có thể tìm thông tin trên mạng ngay cả khi bạn đang rong ruổi trên đường như ngày nay, thì kỹ năng bạn cần có, thứ bạn cần nhớ là thông tin được lưu trữ nơi nào. Nó cũng giống như là với con người, kỹ năng cần có là nhớ xem người nào có thể giúp bạn khi bạn cần thông tin về những chủ đề nhất định”