INTERNET & CUỘC SỐNG

INTERNET & CUỘC SỐNG

Mạng xã hội, Internet di động, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang ngày càng có những tác động tới xã hội và cuộc sống của con người một cách toàn diện và sâu sắc.  Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, thế hệ công dân Z (Internet born citizens) đã tạo ra những ngôn ngữ riêng phục vụ cho việc nói chuyện trực tuyến, vấn đề cần đặt ra là xu hướng này có ảnh hưởng gì tới ngôn ngữ truyền thống và tương lai của ngôn ngữ hiện đại sẽ được định hình ra sao? Các mối quan hệ giữa con người với con người và cấu trúc các mối quan hệ trong xã hội  đang từng bước dịch chuyển trở thành quan hệ trên mạng xã hội, xu hướng này đặt ra những câu hỏi gì cần giải đáp?  Thói quen của việc sử dụng Internet đang tác động tới việc định hình tâm lý, định hình tính cách và thói quen của giới trẻ như thế nào khi các thiết bị như điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ có thể đeo trên người là một phần không thể tách rời khỏi cuốc sống? Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vấn đề về tác động hai chiều giữa Internet và xã hội cần được giải đáp dựa trên nền tảng khoa học xã hội và nhân văn.

 

Chuyên đề Internet & Cuộc sống mở ra một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành bao gồm Xã hội học, Luật học, Kinh tế học, Kinh tế, Ngôn ngữ, Tâm lý, Nhân học, Khoa học Chính trị và Khoa học Quản lý để tập trung nghiên cứu, giải đáp và đồng thời là diễn đàn học thuật mở và độc lập cho các nhà nghiên cứu trao đổi các vấn đề có liên quan.

 

Trưởng Ban Chuyên đề Internet & Cuộc sống: PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh

PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lí thuyết và Phương pháp Nghiên cứu Xã hội học, Khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia, Hà nội.  Tiến sĩ Chuyên ngành Xã hội học, Đại học Tổng hợp Tự do Amsterdam (VU University Amsterdam). Các lĩnh vực quan tâm nghiên cứu gồm: Phương Pháp nghiên cứu Xã hội học, Xã hội học Môi trường, Chính sách xã hội, Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, Vốn xã hội và phát triển, Biến đổi khí hậu và thay đổi sinh kế, Môi trường và phát triển bền vững, An sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

 

Đồng Trưởng Ban: TS. Trần Thành Nam

TS. Trần Thành Nam tốt nghiệp Thạc sỹ  (2010) và Tiến sỹ (2013) chuyên ngành tâm lý tại Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ. Hiện đang công tác tại Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và là thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE). TS. Trần Thành Nam có nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý được công bố tại Việt Nam và quốc tế.